Nhiều lợi ích cho trẻ từ các hoạt động ngoài trời
Hậu quả khi trẻ bị cô lập với các hoạt động ngoài trời
Rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng khi thiếu không gian vui chơi, trẻ sẽ mất đi sự linh hoạt một cách nghiêm trọng, ngôn ngữ phát triển không thuận lợi. Do đó, trẻ sẽ nhút nhát khó hòa đồng và sau này khó thích nghi với cuộc sống.
Cùng với đó, khi thiếu các hoạt động vui chơi ngoài trời, trẻ sẽ khó lòng thấy hạnh phúc, vui tươi trong nhịp sống của mình, thường trở nên cáu bẳn, trầm uất…
Các hoạt động vui chơi ngoài trời mang lại nhiều lợi ích cho trẻ
Ích lợi khi trẻ tham gia hoạt động ngoài trời
1. Giúp trẻ giải toả căng thẳng
Lịch học chính khóa, các môn học thêm ngoài giờ, học đàn, vẽ, võ cộng với một núi bài tập khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi. Nếu bị căng thẳng, lo lắng quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ tinh thần và thể chất của trẻ. Lúc này, các hoạt động ngoài trời sẽ giúp đầu óc trẻ thoải mái, sảng khoái, dễ tiếp thu bài vở hơn sau khoảng thời gian dài miệt mài bên đống sách vở.
Có khi chỉ cần đi dạo quanh nhà cũng đủ giúp con bạn vận động thân thể, hít thở không khí trong lành, giải tỏa bớt tâm trạng căng thẳng và nhìn mọi vật, mọi việc trong một viễn cảnh mới mẻ hơn.
2. Trẻ khỏe mạnh, hoạt bát hơn
Khi tham gia các hoạt động đều đặn và có sự phối hợp chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, trẻ sẽ phát triển thể chất một cách tối đa và cơ thể luôn có sức đề kháng cao. Khi tham gia các hoạt động ngoài trời như: Bóng rổ, bóng đá, bóng bàn, đạp xe, đi bộ, cắm trại, đuổi bắt và những hoạt động ngoài trời khác trẻ sẽ có cơ hội được vận động, nô đùa, trẻ sẽ kiểm soát được trọng lượng cơ thể, giảm nguy cơ phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2, ngủ tốt hơn, khỏe mạnh và linh hoạt hơn.
3. Giảm cận thị
Những đứa trẻ thường xuyên hoạt động ngoài trời và hạn chế xem tivi, ít có khả năng mắc chứng cận thị. Các nhà nghiên cứu Australia tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường sinh hoạt tới thị lực của trẻ em. Kết quả cho thấy tỷ lệ cận thị thấp nhất là ở nhóm có tỷ lệ hoạt động ngoài trời nhiều nhất, bất luận đối tượng đã tham gia hoạt động nào, học tập hay giải trí.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cường độ ánh sáng ở môi trường bên ngoài giúp mắt của trẻ em phát triển một cách lành mạnh. Thông thường, cường độ ánh sáng tăng sẽ làm tăng lượng dopamin giải thoát khỏi võng mạc qua đó giảm những chất ức chế sự phát triển của mắt. Cơ chế này cung cấp cơ sở tin cậy lý giải hoạt động ngoại khoá có thể ngăn chặn nguy cơ cận thị.
4. Trẻ dễ dàng thu nạp Vitamin D
Ngoài ra, khi luyện tập và tham gia các trò chơi vận động ngoài trời thường xuyên với thời gian thích hợp, sẽ giúp cho cơ thể trẻ tự tổng hợp Vitamin D (Vitamin D được tổng hợp từ chất 7- Dehydrocholesteron ở dưới da dưới tác dụng bức xạ của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời thành cholecalciferol (vitamin D3) là đã góp phần giúp cho hệ xương phát triển. Ở lứa tuổi đang lớn sẽ giúp xương hấp thụ nhiều canxi hơn, giúp cho các tế bào tạo xương xây đắp cho xương đặc hơn, rắn chắc hơn, dẻo dai hơn và cho đến khi 30 tuổi trở lên, hiện tượng loãng xương không đáng kể. Trẻ sẽ phát triển tối đa về chiều cao, về trọng lượng, về sự rắn chắc của thể hình.
5. Dễ hòa nhập, thích nghi hơn
Các hoạt động ngoài trời của trẻ không nhất thiết phải là những môn thể thao. Bạn có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động làm tình nguyện viên, tham gia cắm trại hoặc khiêu vũ. Sẽ rất tốt khi trẻ cũng tham gia các hoạt động cùng những trẻ em năng động khác. Trẻ sẽ được tiếp xúc với những người bạn mới, trẻ sẽ linh hoạt, ít có biểu hiện bị trầm cảm, lo lắng, ngôn ngữ phát triển, do đó trẻ sẽ dễ hòa nhập hơn.
Trẻ được phát triển trong môi trường tự nhiên, được tiếp xúc nhiều với thế giới xung quanh để phát triển nhiều mặt và học cách thích nghi với mọi hoàn cảnh khác nhau. Từ đó rèn luyện ý thức tự lập, ý thức tập thể để phát triển toàn diện và bền vững Văn-Trí-Thể-Mỹ.
6. Trẻ được tự mình học hỏi, khám phá
Nhiều quần áo đẹp, đồ chơi đẹp, nhiều trang thiết bị giải trí hiện đại trong nhà vẫn không thể thay thế được nhu cầu tự do vui chơi ngoài trời của trẻ.
Với trẻ, vạn vật đang diễn ra trong thế giới này đều mới mẻ, sống động, cuốn hút và luôn luôn kích thích trí tò mò. Khi trẻ đùa nghịch, chơi đùa ngoài thiên nhiên, thực chất là trẻ khám phá, học hỏi và có điều kiện phát triển tốt nhất những cảm xúc tích cực của mình.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh: Không gì khiến trẻ thấy thoải mái, tự tin và vui vẻ hơn khi trẻ được chạm tay vào mọi thứ xung quanh và tự khám phá sự việc bằng các giác quan, cảm xúc của mình.
Theo Kiến thức gia đình